Gánh nặng từ những mùa thi
Một mùa thi đại học nữa lại đến với các sĩ tử, với các gia đình hiếu học ở Việt Nam. Câu chuyện đi thi với muôn vàn khó khăn bỡ ngỡ vẫn là câu chuyện muôn thuở đối với các gia đình nông dân có con em dự thi ĐH. Nơi thành phố xa lạ, đầy cạm bẫy và những ngỡ ngàng “nhà quê ra phố” ban đầu đã làm không ít các gia đình có con em dự thi ĐH phải ngại ngùng, lo lắng.
Lo về kinh phí, mỗi gia đình có con đi thi lần đầu ra thành phố đều không yên tâm về nơi ăn, chốn ở và nhất là khoản tiền cho con em mình đi thi. Ngoài thí sinh, không thể không kèm thêm ít nhất là một người tháp tùng các em trong lần đầu tiên xa nhà để chăm lo cho các em bữa ăn, giấc ngủ… tiền xe cộ đi lại và muôn vàn thứ chi tiêu khác khi ‘sẩy nhà ra thất nghiệp’. Thời buổi khó khăn lạm phát, đồng tiền mồ hôi nước mắt của nông dân đâu có được nhiều nhặn gì cho cam, vì vậy mỗi đứa con ra đi thi là cả nhà phải lo lắng hàng tháng trời.
Cách đây một tháng, tôi về quê nhà, một bà hàng xóm đến trò chuyện và cho biết đang hết sức lo lắng vì đứa con bệnh tật của mình năm nay lại đăng ký thi ĐH ở Sài Gòn. Nhà có sáu đứa con, bố bị bạo bệnh mất sớm mấy năm nay, khi con cái còn nhỏ, nên lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn chật vật. Đứa con lớn học xong ĐH thi vào Đại Chủng viện Vinh Thanh và đang là chủng sinh năm thứ nhất. Đứa thứ 2 bị bệnh gai đốt sống không có tiền chữa chạy, nhiều hôm, không tự dậy nổi để đến trường. Ngoài gánh nặng chi phí đi thi tận Sài Gòn, gánh nặng về sức khỏe của đứa con sĩ tử lại chồng thêm lên vai bà mẹ tội nghiệp.
Không chỉ lo cơm áo, gạo tiền khi đi thi, nhiều gia đình ở thôn quê không có thân nhân ở thành phố cũng hết sức hoang mang khi không biết nương tựa vào ai để có chỗ ăn, chỗ nghỉ khi đến nơi xa lạ. Rồi nỗi lo an ninh, không thông thạo đường phố, trường lớp…. nhất là nạn tắc đường và những lộn xộn ở đất đô thành làm cho nhiều sĩ tử và gia đình sống trong nơm nớp, lo lắng.
Những kế hoạch của những tấm lòng nhân ái
Để giúp đỡ các gia đình có con em đi thi bớt được những lo lắng và những tốn kém khi mùa thi đến, hàng năm sinh viên Công giáo Miền Bắc đã hết sức nhiệt thành trong công việc “tiếp sức mùa thi” – một hoạt động bác ái, nhân đạo có những kết quả hết sức tốt đẹp. Năm 2009, chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã giúp đỡ cho hàng ngàn bạn trẻ và gia đình đến Thủ đô dự thi an toàn, tiết kiệm và đầm ấm tình yêu thương.
Liên đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc mới được thành lập trên cơ sở các đoàn sinh viên Công giáo các giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội. Tiếp nối truyền thống nhân ái hàng năm của Tổng hội Sinh viên Giáo tỉnh trong việc giúp đỡ các thí sinh đến trường dự thi, năm nay, Liên đoàn có kế hoạch tiếp sức mùa thi từ khá sớm.
Ngay từ đầu tháng 6, một kế hoạch đã được bàn định và đi đến thống nhất cho trong chương trình “Kết nối yêu thương” trong dịp tiếp sức mùa thi 2010. Hơn 1.000 bạn trẻ công giáo đã tự nguyện bỏ cả mùa hè để ở lại tiếp sức với thí sinh.
Liên đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc đã phân công nhiều nhóm khắp các khu vực để thăm dò mượn nhà ở, vận động các gia đình có xe máy, phương tiện, chỗ ở gần điểm thi để bố trí thuận tiện nhất cho các thí sinh.
Một đêm ca nhạc “Kết nối yêu thương” nhằm gây quỹ hoạt động cho các nhóm tình nguyện viên, hơn 1.000 chiếc áo tình nguyện với phù hiệu, logo Liên đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc cho các tình nguyện viên đã được khẩn trương may và in kịp thời. Một Thánh lễ cầu nguyện cho sự bằng an được Đức Cha Nguyễn Văn Yến, Phó ban Bác ái HĐGMVN chủ sự để cầu nguyện cho kế hoạch đầy tình nhân ái này của sinh viên Công giáo… Tất cả hướng tới mùa thi, hướng tới các thí sinh thân yêu cần được nâng đỡ không chỉ là công giáo mà cả ngoài công giáo.
Ra quân
Mới sáng 2/7/2010, đang mơ màng trong giấc ngủ muộn, tiếng điện thoại reo gắt gỏng dựng tôi dậy, trong điện thoại, Trưởng Liên đoàn Nguyễn Tiến Đạt thúc giục: “Anh ra Bến xe Giáp Bát nhé, ở đây đang có khó khăn cho các em tình nguyện viên”. Tôi và vài người bạn ra đến bến xe thì mới biết rằng nơi đây muốn làm từ thiện, muốn làm tình nguyện họ đòi cũng phải có giấy phép… Một chuyện lạ đời?
Khi chúng tôi đến nơi thì mọi chuyện chỗ ngồi đón tiếp cũng đã ổn, các em trong Liên đoàn Sinh viên Công giáo miền Bắc đang hoạt động hết sức tích cực để đón thí sinh, kiên quyết không để các thí sinh bơ vơ khi đến nơi lạ lẫm. Hàng đoàn các tình nguyện viên với chiếc áo xanh cầm bảng đứng chờ dưới nắng đón từng chiếc xe, hàng đoàn các sinh viên trên những chiếc xe máy sẵn sàng lên đường đón các em tới các địa điểm đã định sẵn… tất cả nhịp nhàng và ăn khớp.
Nhìn các bạn trẻ nhiệt tình và hào hứng trong công việc thiện nguyện này, chúng tôi thấy được tinh thần yêu mến tha nhân trong họ đã và đang được nuôi dưỡng tốt trong môi trường Đức tin Công giáo.
Bên các hành lang, thanh niên tình nguyện của các trường đại học, của các tổ chức khác cũng đang tập trung thành dãy dài đón tiếp các thí sinh về dự thi, không khí chộn rộn như một ngày hội.
Tuy cùng một nhiệm vụ tiếp sức mùa thi, cũng là những tình nguyện viên, nhưng nhìn những sinh viên của Liên đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc và các nhóm tình nguyện viên khác, người ta thấy rõ những động lực và sự nhiệt tình trong họ có chỗ khác nhau khá nhiều. Những sự quan tâm và điều kiện dành cho họ cũng khác nhau theo chiều ngược lại. Tại một dãy bàn thanh niên tình nguyện khá vắng vẻ thí sinh, một đoàn quay phim chụp hình đang hoạt động nhộn nhịp ghi hình cảnh cán bộ đang trao phong bì cho các thanh niên tình nguyện. Bên ngoài cửa, ngược lại các bạn tình nguyện viên Công giáo đang tíu tít bận việc hướng dẫn làm thủ tục cho các thí sinh, ngay cả chai nước trắng với họ cũng phải dùng tiết kiệm.
Khi có một chuyến xe vào bến, các bạn sinh viên giơ cao các bảng hiệu đề tên các khu vực thí sinh cần đón. Tiếng chào mời của đám xe ôm, tiếng í ới gọi nhau của những bà già, những cụ ông gọi con mình đầy cảnh giác… tạo nên sự hỗn độn trong bến xe, các tình nguyện viên phải kịp thời hướng dẫn cho thí sinh để họ không bị bắt nạt và lừa đảo. Những sự nhiệt tình này của các em, đã vấp phải nhiều sự khó chịu từ những người kiếm ăn bằng cách lừa đảo và bắt chẹt ở bến xe này.
Không chỉ ở Bến xe phía Nam thành phố, mà các bến xe khác nhau như Mỹ Đình, Gia Lâm… đều có những đội quân tình nguyện mang màu áo xanh của Sinh viên Công giáo tận tình đón tiếp và giúp đỡ thí sinh.
Những thí sinh được đón tiếp xong phân chia thành từng khu vực khác nhau theo vị trí điểm thi, tại các điểm đó, các thí sinh được các linh mục dâng Thánh lễ cầu chúc bình an và được các anh chị trao đổi kinh nghiệm động viên trước khi về các nhà trọ…
Trời càng về trưa càng nắng, những chiếc bóng áo xanh mang hình Thánh giá trên ngực vẫn tất tả ngược xuôi trên mọi nẻo đường Hà Nội đưa các em thí sinh đến những nơi ăn nghỉ an toàn.
Những tưởng việc thiện nguyện này luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn xã hội, của tất cả mọi người, thế nhưng thực tế lại không phải vậy. Gần 10 giờ lại những thông tin từ bến xe Gia Lâm báo về: Hai em trong nhóm thiện nguyện bị bắt vào Ban Quản lý Bến xe xét hỏi giấy tờ và bắt thu băng tên tình nguyện của Liên đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc. Lý do rất đơn giản là đã làm tình nguyện không có giấy phép (!). Thật đúng là bó tay, có nơi nào thiện nguyện cũng cần có phép như ở nơi đây không nhỉ? Trong khi nạn vô cảm đang tràn lan trong xã hội không ai can thiệp, chẳng ai lên án hạch hỏi giấy tờ… thì những người làm thiện nguyện lại bị hoạnh họe đủ điều, vậy đến khi nào thì xã hội tiến bộ?
Những vấn đề nan giải
Những ngày vừa qua, một khối lượng lớn công việc đã được Ban Tổ chức cuộc Tiếp sức mùa thi kịp thời có kế hoạch cụ thể cho các nhóm thực hiện từ việc tìm nhà trọ, phương tiện, con người cho hàng ngàn thí sinh đăng ký. Năm nay lượng thí sinh đăng ký tăng nhiều hơn so với những năm trước, trong đó không chỉ là người công giáo mà cả người không công giáo từ nhiều miền quê lên Hà Nội dự thi.
Gặp chúng tôi trong những ngày bận rộn cho “Tiếp sức mùa thi 2010” Trưởng Liên đoàn Sinh viên Công giáo Giuse Nguyễn Tiến Đạt cho biết: Nhiều anh chị em sinh viên tham gia với tinh thần hết sức nhiệt tình và đầy lòng nhân ái, không ngại khó, không ngại khổ sở nắng nôi và vất vả, nhiều anh chị em là sinh viên, cựu sinh viên và cả các cô, các bà cũng tham gia nhiệt tình chương trình này với đủ mọi thứ việc. Từ những việc tìm nơi ở, phương tiện, con người đưa đón thí sinh, các bà các chị lo cho các em từ bữa ăn, nơi nghỉ ngơi, nước uống, chỗ vệ sinh… tất cả là một núi công việc.
Điều đáng phấn khởi là dù vất vả nhưng không ai tỏ ra nản chí và kêu ca, dù tất cả là thiện nguyện, là tự giác.
Điều này đáng được nhân rộng và phát triển nhằm tạo điều kiện cho các em thi cử tốt bước vào trường đại học, cao đẳng… nâng cao kiến thức xã hội và khoa học kỹ thuật cho các em, tạo đội ngũ trí thức công giáo tương lai, xứng tầm với tỷ lệ 1/10 dân số cả nước mà bao năm qua do nhiều khó khăn, thăng trầm của xã hội đã không được chú ý. Đã đến lúc, người Công giáo Việt Nam cần ý thức được vị thế xã hội của mình trong mọi lĩnh vực.
Trong khi đó Liên đoàn Sinh viên Công giáo Miền Bắc mới được thành lập một thời gian ngắn, khác với các hội đoàn nhà nước được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, còn chúng tôi tất cả tự lo, tất cả nhờ vào những tấm lòng của các ân nhân và những người hảo tâm. Đó là một khó khăn rất lớn. Đợt vừa qua, chỉ riêng kinh phí cho việc may 1.000 chiếc áo tình nguyện viên đã hết 50 triệu đồng, chưa nói những kinh phí khác cho các em như xăng dầu, điện thoại liên lạc, tiền thuê chỗ ăn, nghỉ cho các em những nơi không có ân nhân cho nhờ trọ… là một gánh nặng ngoài khả năng của Liên đoàn.
Đợt vừa qua, Liên đoàn đã tổ chức một buổi văn nghệ để kêu gọi tài trợ và đặt hòm quyên góp, nhưng kết quả thu được không đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Vì vậy chúng tôi tha thiết kêu gọi sự giúp đỡ của bà con cô bác trong và ngoài công giáo, trong và ngoài nước đóng góp cho những công việc này.
Mọi sự giúp đỡ xin được liên hệ theo địa chỉ svcgmbvietnam@gmail.com Chúng tôi xin cảm ơn tất cả quý vị và xin Chúa trả công bội hậu cho các quý vị ân nhân.
Kết thúc ngày thứ nhất trong kế hoạch “Tiếp sức mùa thi 2010” chúng tôi thấy nổi lên một điều: Tấm lòng bao dung, nhân ái và tinh thần Công giáo đã thể hiện rõ nét, cụ thể từ những hình ảnh qua các công việc này, mai đây một lớp sinh viên công giáo sẽ tiếp tục bước tiếp con đường cha anh đã hướng cho các em ngay từ những ngày đầu bước vào con đường học vấn.
Thiết nghĩ rằng đây cũng là một cơ hội cho những tấm lòng vì tương lai con em chúng ta, vì tương lai Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Hà Nội 2/7/2010
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Trả lời