Đăng bởi: J.B Nguyễn Hữu Vinh | 18/08/2010

Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu

Chia tay với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri thì cũng đã hơi muộn, chúng tôi cảm ơn ngài về lòng mến khách và thái độ cởi mở đối với chúng tôi. Ra khỏi Tòa Giám mục Đà Nẵng thì trời đã khá trưa, chuyến tàu chúng tôi dự định về Hà Nội cũng đã sắp đến giờ khởi hành.

Nhưng theo như Đức Cha nói thì Cồn Dầu cũng ở gần đây, không xa Tòa Giám mục là mấy và nên đến đó thì biết thực tế.

Thôi, đã muốn xem bụt thì phải đi đến chùa, vậy anh em chúng tôi quyết định lùi lại chuyến trở về, vào quán kiếm chút gì ăn tạm rồi bắt taxi về Cồn Dầu.

Cồn Dầu, rất gần mà rất xa

Chuyến xe đưa chúng tôi qua một đoạn đường không xa đến cây cầu Cẩm Lệ, cây cầu khá mới, lượng người đi qua lại thưa thớt. Bên này sông, hình thành phố xá, bên kia sông là những bãi đất đầy cỏ mọc ngút ngàn. Tạm biệt anh tài xế taxi, chúng tôi đi bộ một đoạn trên đường Nam Cầu Cẩm Lệ, đoạn phố mới hình thành, hai bên là những căn nhà đang xây dở, những khu công xưởng bao quanh bởi hàng rào như bao dự án đã và đang được tiến hành nhằm chiếm đất là chủ yếu đang mọc lên khắp nơi trên đất nước này. Số tiền đầu tư chưa nhiều và hoạt động ở đây chưa có gì là tấp nập.

Cầu Cẩm Lệ - Đà Nẵng

Chúng tôi đi lại trên con phố mới lập này, nhìn thấy những làng mạc xa xa vẫn chìm trong màu u thẫm của cơm mưa chiều sắp đến. Những chiếc ô tô tải chạy vun vút trên đường kéo theo những tiếng ré lên của khách bộ hành khi nước bẩn bắn vào người. Những quán nhậu bên đường đã bắt đầu thấy đông đúc.

Chúng tôi vừa đi, vừa ngắm và hỏi đường, nhiều ánh mắt nghi ngại nhìn chúng tôi khi thấy chúng tôi lếch thếch đi bộ lại hỏi đường về Cồn Dầu, họ chỉ  trả lời sơ sài là đi trở lại đến gần Cầu thì hỏi thăm.

Loanh quanh một lúc, trời đổ mưa nhẹ, gặp mấy người đi xe máy đang đứng mặc áo mưa, chúng tôi đến hỏi đường. Mấy người nhìn nhau có vẻ rất cảnh giác, sau khi chúng tôi nói rõ rằng: “Chúng tôi là giáo dân ở Hà Nội, nghe thông tin về Cồn Dầu, muốn đến để tìm hiểu thực hư” thì mấy người mới bày tỏ rằng “chúng tôi cũng là người Cồn Dầu đây, chúng tôi có thể cho các anh quá giang về Cồn Dầu, nhưng khi đi ra chúng tôi không chở các anh được”.

Vui mừng, chúng tôi lên xe của họ.

Thì ra, con đường về Cồn Dầu đâu có xa xôi gì lắm, qua cầu Cẩm Lệ rẽ trái ngay đầu dốc là con đường bê tông nhỏ, đi giữa những đám cỏ mọc tốt bời bời là lối về Cồn Dầu. Con đường dẫn chúng tôi và Cồn Dầu không xa, chỉ mấy cây số nhưng vắng bóng người qua lại.

Vâng, con đường vào Cồn Dầu không xa, nhưng khi đi trên con đường đó với các giáo dân, nhìn cái lạnh tanh của một con đường nối các làng mạc với nhau vào giờ chiều, những giáo dân chở chúng tôi đi mắt nhìn trước, nhìn sau nhớn nhác… chúng tôi mới hiểu: Đường về Cồn Dầu thật gần, nhưng cũng thật xa.

Những điều trông thấy

Dọc đường, các giáo dân kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà người giỏi tưởng tượng cũng khó hình dung được nó đã xảy ra ở đây, ở trong một “nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”.

“Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân” của “Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời”

Bên đường, một tấm bảng vẽ bản đồ “Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân” Chủ đầu tư là “Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời”.

Chúng tôi hỏi một người dân: “Có phải Công ty này là công ty đầu tư cả vùng Cồn Dầu hay không? Họ trả lời: “Nào chúng tôi có biết là ai, chỉ biết là nhà nước đuổi chúng tôi đi để lấy đất làm khu sinh thái và họ ép chúng tôi bằng mọi cách”.

Tôi thấy lạ, một Công ty Cổ phần, dù là Công ty mang tên Mặt Trời hay công ty mang tên Vũ Trụ đi nữa, cũng chỉ là một nhóm những người có tiền có của lập nên góp cổ phần trong đó – Nghĩa là chỉ một số “nhà tư bản” mà thôi, nó không đại diện cho nhà nước, nó cũng chẳng đại diện cho nhân dân hoặc “giai cấp công nhân tiên tiến” nào.

Vậy mà những người có tiền này, muốn đuổi bằng được cả làng, cả xã, cả thôn xóm từ ngàn đời nay đi, lấy chỗ của họ để thỏa mãn nhu cầu ăn chơi của những kẻ có tiền, nhằm kinh doanh kiếm lợi thì chỉ cần chi tiền ra là được sao?

Hơn thế nữa, chỉ cần đuổi dân đi khỏi khu đất đai, tài sản, mồ mả cha ông họ mà phải dùng đến cả bạo lực, công an… – những lực lượng mà chính những người dân Cồn Dầu một nắng hai sương đang vất vả làm lụng để nuôi –  để trấn áp họ?

Như vậy, một quá trình dân theo đảng với những khẩu hiệu “người cày có ruộng” rồi “tư liệu sản xuất phải nằm trong tay nhân dân”, rồi “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”… với bao nhiêu những lời đẹp đẽ khác nay đang trôi giạt theo gió ở phương nào? Lời hứa của những người cộng sản khi hô hào dân ủng hộ nay ở đâu?

Chính sách "người cày có ruộng" khi nhà nước còn non trẻ

Tại sao những câu nói, những lý thuyết đó không đưa về đây áp dụng cho nhân dân Cồn Dầu lại để một nhóm người đang mưu đồ tập trung tư bản, tư liệu sản xuất, đất đai vào tay mình bằng máu của người dân?

Đành rằng, xã hội phải thay đổi, phải xây dựng mới… Nhưng nhà nước công nhận quyền của người dân, trừ các công trình thuộc an ninh, quốc phòng… thì người dân phải chấp nhận. Đằng này giao đất, giao tài sản của mình vào tay một nhóm người mà nhóm người đó lại dùng bàn tay nhà nước với vũ khí, bạo lực… để trấn áp, buộc họ tay không bất lực phải giao, thì có khác gì lũ cướp?

Lẽ thường tình và luật pháp quy định chuyện bán mua, đổi chác cũng phải sòng phẳng, thuận mua vừa bán hai bên. Làm gì có chuyện công bằng, công lý khi một bên gí quyết định và dùi cui, súng đạn bắt bên kia phải móc túi nộp hết tài sản của mình?

Miên man với những suy nghĩ chưa dứt, thì con đường dẫn chúng tôi vào đến Cồn Dầu.

Con đường vào làng dẫn thẳng vào sân nhà thờ, ngôi nhà thờ khá đẹp, vẫn còn khẩu hiệu và cờ quạt chào mừng quý cha, quý khách đến Cồn Dầu tham dự Đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập giáo xứ ngày hôm qua.

Một nhóm người trong sân nhà thờ đang dọn dẹp, hàng cờ vàng trắng và các hình ảnh giáo xứ theo quá trình lịch sử phát triển treo hai bên lối vào.

Nhà thờ Cồn Dầu kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo xứ

Nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi biết đang đứng trên vùng đất có chiều dày về truyền thống gieo vãi hạt giống Tin mừng và sự phát triển của những hạt giống đó cả hơn trăm năm qua.

Những câu chuyện được nghe, những hình ảnh được chứng kiến

Con đường trong làng Cồn Dầu vắng lặng đến bất ngờ, những người ra đường không nhiều, bóng dáng trẻ con không thấy mấy.

Đường làng Cồn Dầu vắng lặng lạ thường

Chúng tôi đi dọc con đường trong làng, những ánh mắt nhìn chúng tôi từ sau bờ rào với cái nhìn nghi ngại, cảnh giác.  Họ rất ít khi hưởng ứng khi chúng tôi bắt chuyện. Điều đó ban đầu làm chúng tôi ngạc nhiên.

Nhưng rồi sự ngạc nhiên nhanh chóng qua đi, khi một số giáo dân biết chúng tôi từ xa tới, là những giáo dân đồng đạo của mình đến tìm hiểu tình hình Cồn Dầu. Họ lấm lét nhìn trước nhìn sau và trả lời những câu hỏi của chúng tôi đặt ra cũng như kể lại những gì đã xảy ra với họ.

Nghe những câu chuyện đó, chúng tôi thấy xót xa, ngậm ngùi cho một vùng đất, một cộng đồng dân cư chỉ cách trung tâm Thành phố trực thuộc Trung ương chừng dăm bảy cây số, một giáo xứ chỉ cách Tòa Giám mục cũng chừng đó quãng đường và tại đó đang có một linh mục hiện diện.

Người dân kể lại:

Các anh không biết đấy thôi, ở đây dân chúng tôi biết đoàn kết và chống lại sự bất công này. Đất đai, mồ mả và tài sản mồ hôi nước mắt bao đời cha ông chúng tôi gây dựng nên bỗng dưng bị xua đi, để nhận những đồng tiền theo ý của họ như bố thí. Chúng tôi bỗng nhiên mất trắng chẳng còn được một quyền gì trên chính quê hương xứ sở của chúng tôi, kể cả quyền được chết và được chôn trong vườn Thánh, bên cạnh những người thân yêu.

Nghĩa địa Giáo xứ Cồn Dầu và bảng "Nghiêm cấm an táng người chết"

Chúng tôi đã đoàn kết, cả làng, cả xứ không ai nhất trí với việc cướp đất đai, nhà cửa của chúng tôi theo cách của bọn bạo lực dùng sức mạnh, lấy thịt đè người, bất chấp lương tâm và luật pháp. Những “giáo gian” bị cô lập, những người cam tâm bán rẻ bà con chòm xóm không có đất hoạt động. Chúng tôi đã cầm cự như vậy đến hai năm nay.

Chính quyền đã dùng nhiều biện pháp từ nhẹ đến nặng như răn đe, dùng vũ lực, cậy đám đông… nhưng đều vô hiệu. Chỉ đến đám tang bà cụ già Maria Đặng Thị Tân, chúng tôi bị khủng bố trắng, chúng tôi là những người dân đen, hiền lành vô tội chẳng có âm mưu gì. Khi đưa xác bà Tân đến nghĩa trang, vườn Thánh của Giáo xứ, cũng chỉ vì nguyện vọng của người quá cố được nằm bên cạnh nắm xương tàn của người chồng thân yêu mà thôi. Vì thế, khi công an đổ đến, chúng tôi không nghĩ là họ lại tàn bạo với ngay cả dân của mình, chúng tôi góp tiền nuôi họ chứ chẳng có Tây, Tàu, Trung Quốc nào nuôi họ cả.

Chính vì thế, nhà cầm quyền đã lợi dụng đêm tối khi mới tảng sáng để tấn công chúng tôi. Và sau đó là đánh đập, là bắt giam, là phạt tiền, là khủng bố… họ làm cho cả làng, cả xóm bạc nhược và sợ hãi. Bây giờ, chúng tôi không dám tiếp xúc với ai, một bài báo nào đó, một động tác nào đó cũng đủ để công an đưa chúng tôi lên đồn phạt tiền, đánh đập, kể cả khóc cũng không được nữa.

Mới đây, sau khi anh Năm chết, chúng tôi mới hiểu là họ không từ bất cứ thủ đoạn nào, dù man rợ đến đâu đối với dân đen chúng tôi.

Người dân chúng tôi sợ hãi vì tiếng kêu của chúng tôi chẳng thấu đến tận đâu cả. Trời thì xa, quan nha thì gần, chúng tôi như một bầy cừu, và họ muốn thịt con nào thì cứ thế mà thịt, súng đạn, dùi cui, nhà tù… đủ cả rồi.

Chúng tôi hỏi: “Cả quá trình hai năm qua, cha xứ và Đức Giám mục có hướng dẫn hoặc khuyên nhủ gì anh chị em không?” và nhận được câu trả lời: “Có anh ạ, linh mục thì ít khi nói đến, vì tiếp xúc với ngài rất khó khăn, kể cả giáo dân chúng tôi. Còn Đức cha khuyên chúng tôi là các con không sợ mất giáo xứ, có đi lại xa xôi thì chấp nhận, không phải sống co cụm cả làng công giáo mới là tốt mà đi như thế ở lẫn với người không có đạo mới là đi rao giảng Tin mừng.

Nhưng chúng tôi còn trẻ, còn đi được đến nhà thờ, chứ trẻ con, ông già bà lão, già cả sắp xuống lỗ rồi, sáng đọc kinh chiều đi nhà thờ, làm sao có thể đi cả bao nhiêu đường đất để đến nhà Chúa?”.

Nghe giáo dân ở đây nói, tôi mới hiểu là sáng nay, khi nghe Đức cha nói cũng có lý, nghĩa là từ 1.500 giáo dân Cồn Dầu hôm nay, khi được phân bổ vào các khu không có người công giáo, đàn chiên của ngài có thể lên 3.000 là một hy vọng.

Nhưng chắc Đức cha không hiểu tâm tình này của họ.

Và tôi hiểu vì sao họ yêu mến đến thế mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình. Bởi ở đó cả trăm năm qua, họ sống với tiếng chuông mỗi sáng gọi trẻ em dậy đi học, gọi người lớn đi làm và mỗi chiều gọi các giáo dân mau chóng trở về nơi tổ ấm…

Chúng tôi hỏi họ “Anh chị em nghĩ gì nếu chủ trương của nhà nước cần phải làm cho Thành phố đẹp hơn, như Đức cha cho chúng tôi biết  rằng đây là chỗ ngập lụt hằng năm nên cần nâng cao hơn cho đẹp đô thị, và sau đó anh chị em được chuyển đổi ngành nghề chứ làm nông biết bao giờ giàu có? ” Họ đáp lại: “Thật ra, chúng tôi biết nỗi khổ của chúng tôi, những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm sống. Nếu đây là đất phải giao để làm đường, làm các công trình phúc lợi cho nhà nước, cho nhân dân, chúng tôi không thể không đồng ý.

Thế nhưng chúng tôi được giao đất không phải vào tay nhà nước, mà cho một nhóm người làm giàu trên mảnh đất này của chúng tôi. Nếu nhà nước có ý định tốt cho dân chúng, thì tại đây cần đầu tư xây dựng, quy hoạch…  dân chúng cũng cố gắng để thực hiện. Hoặc nếu bất đắc dĩ phải đi, thì chúng tôi phải được thỏa đáng quyền lợi của mình. Đằng này họ đến buộc chúng tôi như cướp vào nhà thì có ai nghĩ là đúng không? Còn nói là để chuyển nghề cho chúng tôi ư, anh cứ đến bất cứ dự án nào để xem những người bị lấy đất có được mấy phần ngàn người dân được nhận vào làm việc ở đó. Chúng tôi biết chắc chắn là chúng tôi và con cái phải ra đường, hoặc là trở thành bụi đời, trộm cướp hoặc làm thuê mướn bán thân mà thôi…”

Nhiều câu chuyện được kể lại trong nước mắt, những tiếng nói thổn thức của người dân Cồn Dầu đã lắng lại trong chúng tôi từng chi tiết nhỏ.

Chúng tôi an ủi họ: “Đám tang bà Tân, theo như Đức cha nói thì việc đụng độ hỗn chiến chỉ là việc ngoài ý muốn, coi như một tai nạn, chứ không ai muốn thế”. Những giáo dân này gạt nước mắt: “Chỉ có chúng tôi ngoài ý muốn thôi, chứ nhà nước làm sao nói ngoài ý muốn được. Họ dùng hơi cay, dùi cui… quay phim chụp hình cẩn thận, nhiều người đang đứng im, không hề manh động lại còn kêu gọi không được bạo động, thế mà công an cứ đánh tới tấp, thậm chí các em nhỏ bị đánh, người lớn đến cứu là bị bắt ngay. Một số các em không kìm được đã chọi lại liền bị quay phim bắt tại chỗ và bắt nguội sau đó. Ngay cả như anh Liêm, một người đang nằm trong nhà gần đó cũng bị xông vào bắt nốt… nhất là những người đã dám đứng lên đấu tranh thời gian qua và có uy tín đều bị bắt hết, thậm chí là bắt sau đó cả hai tuần lễ. Như vậy đâu có phải ngoài ý muốn nhà nước.

Những người bị bắt đã bị thẩm vấn, bị đánh tàn bạo, thế nhưng trước khi thả ra chúng buộc phải ký giấy và cam đoan về nhà không được nói cho ai biết là bị đánh. Khốn nạn đến mức nhiều người hoảng loạn như anh Năm đó anh ơi”.

Giáo dân cũng cho chúng tôi biết, cả trăm người bị bắt, bị đánh đập tại chỗ bởi công an, nhưng không hề có bất cứ một văn bản nào được lập việc dùng vũ lực cướp quan tài và đánh đập dân. Sau đó, tất cả những người bị bắt đều phải nộp tiền, kẻ thì 1 triệu rưỡi, người thì 2 triệu, thậm chí có người đến 5 triệu… có người chỉ vì khóc cũng bị phạt 5 chục ngàn đồng.

Hiện tại, vẫn có 6 người bị giam giữ cả ba tháng nay, nhưng chưa một ai được gặp, việc thăm nuôi chỉ là mang đồ tiếp tế đến trại rồi cán bộ mang vào cho mà thôi.

Sau khi một số người bị bắt, công an liên tục triệu tập những người khác để “củng cố chứng cứ” bằng cách buộc họ khai những điều công an muốn cho những người đang bị giam giữ. Không hiểu có luật pháp nước nào trên thế giới cho phép bắt người trước rồi tìm tội sau hay không?

Câu hỏi này, chắc chỉ có thể trả lời bởi hệ thống hành pháp trong “Nhà nước pháp quyền” mang cái đuôi “Xã hội chủ nghĩa” mà thôi.

Đường vào Cồn Dầu

Chúng tôi đi qua vài nhà, thăm gia đình anh Toma Nguyễn Thành Năm, thắp cho anh một nén hương của người đồng đạo, chia sẻ với gia đình trước cái chết buồn tủi của anh. Người vợ anh ngồi bệt xuống sàn kể cho chúng tôi nghe về cái chết của người chồng thân yêu của mình phải lìa đời khi mới 44 tuổi, tiếng nấc nghẹn ngào xen kẽ từng lời chị nói.

Nhà anh Toma Nguyễn Thành Năm và người vợ góa

Trong khi chúng tôi đang ở đó, một vài khuôn mặt lạ đang lởn vởn xung quanh. Trời tối dần, những giáo dân đã biết chúng tôi đi ngang qua nói nhỏ “Các anh nhanh chóng mà rời nơi đây, những ngày sau khi giáo dân bị đàn áp, sợ hãi, thì một số giáo gian lại có đất hoành hành”.

Chúng tôi đi về phía nhà thờ Cồn Dầu, sau những bậc cửa, sau những hàng rào, vẫn có những ánh mắt dõi theo, ngờ vực và khép nép.

Trời tối dần, các ngọn đèn trong các gia đình đã bật sáng, khung cảnh nhà thờ Cồn Dầu vắng vẻ, một nhóm người đang ăn cơm sau khoảng sân. Chúng tôi đến hỏi họ và muốn vào thăm cha xứ, một người nói: “Cha xứ đang ở trong nhà, anh muốn gặp thì vào gọi cửa”. Chúng tôi đến ngôi nhà xứ vắng lặng, ánh đèn vẫn sáng bên trong, gõ cửa ba lần nhưng không thấy tiếng động.

Chúng tôi ra về khi chiếc taxi vừa đến đợi trước cửa nhà thờ.

Một chuyến đi Cồn Dầu, đến với những người anh em đồng đạo để lại nhiều nước mắt hơn nụ cười, ấn tượng đọng sâu nhất trong tôi là những ánh mắt ngơ ngác, hãi hùng của đám trẻ khi thấy người lạ vào làng.

Những tiếng nấc nghẹn ngào của họ, có ai nghe thấu chăng?

Hà Nội, ngày 17/8/2010

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

Kỳ tới: Cái chết của anh Toma Nguyễn Thành Năm


Trả lời

  1. […] Blog Jbnguyenhuuvinh.wordpress.com Categories: Công lý và Sự thật, Giáo dân lên tiếng, Tin Giáo Hội Việt Nam […]

  2. Cám ơn anh Vinh và người bạn đã mạo hiểm đến thăm Cồn Dầu và cho chúng tôi biết sự thật đã và đang xảy ra ở đấy. Nếu GM Châu Ngọc Tri và cha xứ ở Cồn Dầu cũng xả thân vì Chúa, vì đồng đạo như các Anh thì nhân dân Cồn Dầu đã không phải mang tai hoạ như hôm nay!
    Xin Chúa luôn gìn giữ, che chở và ban nhiều ơn lành cho các Anh và gia đình.

  3. Linh mục thì ít khi nói đến, vì tiếp xúc với ngài rất khó khăn, kể cả giáo dân chúng tôi. Còn Đức cha khuyên chúng tôi là các con không sợ mất giáo xứ, có đi lại xa xôi thì chấp nhận, không phải sống co cụm cả làng công giáo mới là tốt mà đi như thế ở lẫn với người không có đạo mới là đi rao giảng Tin mừng.
    Nhưng chúng tôi còn trẻ, còn đi được đến nhà thờ, chứ trẻ con, ông già bà lão, già cả sắp xuống lỗ rồi, sáng đọc kinh chiều đi nhà thờ, làm sao có thể đi cả bao nhiêu đường đất để đến nhà Chúa?”
    .
    Thưa Đức Cha Tri, nếu nhà nước thật sự vì nhân dân, hãy cấp đất và giúp họ xây dựng lại nhà cửa và cuộc sống mới, không nên cướp đất đai, bồi thường rẻ mạt rồi bỏ rơi họ. Đức Cha không nhận ra điều này sao?

  4. Anh Vinh ạ! Tôi dám chắc rằng: Nếu chính quyền TPĐN thông báo” quyết định bồi thường cho thôn Cồn Dầu mỗi mét vuông là 25.000.000đ và chỉ giãi quyết trong một ngày cho những người đăng ký trước” thì bằng mọi cách người ta sẽ xô đạp nhau để mà đăng ký trước. Chắc anh biết câu chuyện chinh phục miền tây của nước Mỹ chứ, và đến giờ miền tây nước Mỹ đã như thế nào rồi.
    Không biết anh kể lại còn thiếu hay do người ta nói lại với anh còn sót chứ trong thông cáo của TGM ĐN và trong bài giảng, tôi nhớ trước đây đã được đăng trên trang giaophandanang thì rất rõ ràng, Ngài nói: chúng ta có quyền đòi hỏi những quyền lợi thỏa đáng mà người dân được hưởng và cũng không nên đi ngược lại với hướng phát triển xã hội. Thú thật, anh viết văn rất hay. mà anh là người công giáo thì tôi hoài nghi về anh. Điều này tôi chưa tin, nhưng đã nghe có người nói rằng: BÁC HỒ cũng là người công giáo vì trước khi đi tìm đường cứu nước, BÁC đã được rửa tôi và tên thánh là G.B

    • Nếu Nguyễn Bá Thanh mà được như anh Mười Tâm, chịu bồi thường cho thôn Cồn Dầu mỗi mét vuông là 25.000.000đ thì đâu xảy ra thảm cảnh hôm nay? Anh Mười Tâm nhân đức quá đấy, chứ theo tôi chỉ cần bình quân mỗi mét vuông 5.000.000đ thì bà con cũng sẽ “miễn cưỡng” chấp nhận thôi, vị chi nếu một người có miếng đất 200m2 (không kể ruộng nương) thì được bồi thường khoảng 1 tỷ, số tiền này có thể mua được một lô đất tương tự ở nơi khỉ ho cò gáy, xây được ngôi nhà, cái bếp, chi phí di chuyển, vậy còn ruộng lúa, vườn tược và sinh sống bằng nghề gì đây, thưa anh Mười Tâm?
      Thế nhưng sao anh Mười Tâm lại cay cú với anh Nguyễn Hữu Vinh đến thế, không lẽ chính Anh là GM Châu Ngọc Tri?
      Nếu có bất bình, muốn chụp cho anh Vinh một cái “mũ cối” thì cũng đã là quá nặng rồi, đàng này đưa cả bác Hồ ra chơi xì tố thì khó coi lắm!

    • Chào bạn Mười Tâm

      Cảm ơn bạn đã ghé blog của tôi để có lời bàn.

      Tôi nghĩ rằng, nếu bạn đọc toàn bài viết của tôi, bạn sẽ hiểu rằng tôi chỉ nói những gì tôi thấy, những gì tôi nghe, những gì tôi nghĩ.

      Tôi đã nói chuyện với Đức Cha Châu Ngọc Tri, buổi nói chuyện của chúng tôi rất nhất trí với nhau là quyền lợi của giáo dân phải được đảm bảo, phải đòi hỏi cho họ điều đó theo đúng pháp luật. Những điều làm không đúng pháp luật của nhà cầm quyền Đà Nẵng thì cần phải đấu tranh để họ làm đúng. Cũng như khi giáo dân bị đối xử bất công, thì là kito hữu phải hiệp thông, là mục tử phải an ủi và hướng dẫn họ. Chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn không úp mở.

      Theo Đức Cha Tri, thì đó là do việc đền bù chưa xứng đáng. Còn theo giáo dân mà tôi biết, với họ không chỉ là chuyện tiền nong đền bù. Với họ còn là xứ đạo, là truyền thống, là con cái họ sau này sống chết ra sao…

      Đức Cha Tri cho rằng khi truyền thông vào cuộc làm hại Cồn Dầu vì có người ở xã, ở Tỉnh phản đối chuyện lấy đất của dân và hai năm rồi không xong. Giáo dân cho rằng: Chúng tôi bao đời sinh sống ở đây, có nhà thờ, có mồ mả ông bà nên không đi đâu hết.

      Tôi chỉ phản ánh đúng sự thật tôi đã thấy, đã nghe.

      Nhưng tôi phản đối chính quyền Đà Nẵng lấy đất của tập thể giáo dân, giao cho một nhóm tư bản để kinh doanh kiếm lợi và chiếm cướp đất đai của họ bằng cách bạo lực, nhà tù, cảnh sát và dùi cui.

      Mặt khác, tôi không nghĩ như anh, căn cứ đâu để anh “dám chắc” rằng nếu được đền bù nhiều thì người dân Cồn Dầu xô nhau đi bán?

      Có thể với anh, anh nghĩ như vậy là đúng, cái gì bán được thì bán, giống như nhà nước CSVN hiện nay đang bán dần từng nơi, từng chỗ từ biên giới đến hải đảo, lãnh thổ bao đời của ông cha đã tốn máu xương để lại và đào cả khoáng sản, đất đai, của bảo bối lên để bán. Miễn là có tiền. Đó là quan niệm của anh.

      Còn tôi tin, có những người, có những thứ, có những giá trị mà không ai đem đi bán cả, cho dù được rất nhiều tiền. Bởi ngoài tiền, người ta đang cần một thứ khác, đó là lương tâm làm người.

      Anh nói rằng “anh là người công giáo thì tôi hoài nghi về anh” ? Theo tôi, đó là quyền của anh. Tôi chưa bao giờ bảo anh phải nghe tôi vì tôi là người công giáo. “ai có tai hãy nghe, ai có mắt hãy nhìn” đó là tùy thuộc quyền tự do mà Chúa đã ban cho anh, cho tôi để có thể làm điều tốt, có thể phạm tội, có thể phản nghịch.

      Cũng xin lưu ý với anh điều này cho rõ ràng: ở nhà anh có BÁC HỒ, còn ở nhà tôi không có BÁC HỒ, anh hiểu chứ?

      Với gia đình tôi, bản thân tôi không có một ai mà đời ông nội tôi gọi là BÁC, đến đời bố tôi cũng gọi là BÁC, rồi đời tôi và con cháu tôi cũng hỗn xược gọi là BÁC cả. Khi ông nội tôi đã gọi là Bác, thì bố tôi phải gọi là ông, và tôi gọi là Cụ Kị… gì gì đó nữa theo truyền thống người dân Việt Nam, không có dạng loạn ngôn bảy đời đều gọi một người là bác như thế, không có dạng hỗn loạn như vậy.

      Vì vậy, anh thích BÁC HỒ anh cứ đưa về ông cháu, bố con thờ, còn tôi không có dạng đó, mong anh hiểu và đừng dùng những ngôn từ loạn đả như thế khi lên công chúng.

      Một điều cần nói nữa, là nơi đây, không nên dùng những ngôn từ xúc phạm đến cá nhân những người cùng tranh luận. Tôi không thiên vị ai, nhưng tôi nghĩ bạn NGƯỜI YÊU GHVN cũng chỉ là một cái tên, bạn đã tách ra để nói rằng “không thể nói bạn là Người yêu GHVN” đó là sự đánh giá mạt sát/ Vậy giả sử nếu có ai đó tách tên bạn là Mười Tâm, rằng đọc những lời biện hộ cho CSVN thì phải gọi là Vô Tâm thì bạn nghĩ sao?

      Vì vậy không nên chỉ trích, mạt sát cá nhân mà phải tôn trọng nhau khi tranh luận thì mới là văn hóa tranh luận.

      Thân mến

  5. Xin bạn hãy lấy đôi kính đen xuống mà nói chuyện, vì tôi không thích bói toán. Tôi có quan điểm của riêng tôi, Thiên Chúa đã tạo nên con người và ban cho mỗi người một ơn cách riêng. cả các đấng bậc trong GH mỗi người cũng có nhưng ơn khác nhau. Người thì giỏi hùng biện người thì tài viết lách, người thì sống nội tâm người hướng ngoại, người thì tài lãnh đạo người thì giỏi âm nhạc…và họ cũng là người như chúng ta. Nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt cho họ mỗi người một cách riêng, các đấng sẽ đem lại ơn ích cho cộng đoàn dân Chúa đã được trao phó cho mình. Tôi không muốn một cá nhân nào hay một nhóm người nào không có chức phận thay Chúa Thánh Thần để đòi dẫn dắt họ.

    • Và có những kẻ thích nịnh bợ để kiếm chác quyền lợi nữa Bạn ạ!
      Vậy mới là thói đời phải không ạ?

    • Chào Bạn Mười Tâm,
      Ơn Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt các đấng nếu các ngài biết lắng nghe tiếng Chúa và hành xử trong chân lý và sự thật. Chức tước (các phẩm trật) trong giáo hội mà Chúa lập lên để phục vụ dân Chúa chứ không phải để các ngài muốn làm gì thì làm theo lợi ích riêng. Mỗi thành phần trong giáo hội đều có trách nhiệm và bổn phận xây dựng cộng đoàn mình theo lợi ích chung. Bạn có biết tại sao Đức Thánh Cha lại tự nhận mình là “tôi tớ của các tôi tớ” không? Đọc phản hồi của bạn mình nghĩ là đã biết bạn là ai, nhưng có lẽ ko nên nói ra ở đây thì tốt hơn. Khuyên bạn hãy nhìn vào từ trong sâu thẳm của lòng mình và lương tâm của mình để hành động, đừng để những lợi ích cá nhân chiếm hữu và lương tâm của mình bị chai đá!

  6. Chào Anh Vinh!
    Tôi chưa được gặp anh nhưng qua bài viết của Anh, tôi thấy anh viết rất hay, nhưng Anh cũng rất nóng tính khi có ai đó bất đồng quan điểm với Anh (đó là điểm yếu của Anh). Anh nghĩ gì khi chúng ta, từ già đến trẻ, tất cả mọi người công giáo đều gọi Đức Maria là Mẹ? đó có phải là “loạn ngôn ko?”
    Cầu chúc Anh luôn là người công giáo tốt và nhiệt tâm trong việc làm chứng cho sự thật.

    • Cảm ơn bạn nhiều đã ghé blog và có ý kiến

      Tuy nhiên nếu bạn so sánh giữa “Bác Hồ” và Đức Mẹ của những người Công giáo để nói rằng có thể chấp nhận sự loạn ngôn đó cũng tương đương như khi gọi Đức Maria là Mẹ, thì tôi nghĩ bạn chưa rành mạch trong quan niệm.

      Một bên là Tín ngưỡng của mọi người, một bên là một con người cố tình được thần thánh hóa thì không hề có giá trị tương đương để so sánh, nói cách khác, không cùng một “thứ nguyên” để so sánh với nhau.

      Vì vậy, sự so sánh đó mặc nhiên đã tự nó bác bỏ nó.

  7. Muốn kiểm chứng tôi là ai thì cũng không khó, chỉ cần người mình nghĩ đó là ai đang bận, ví dụ như đang phải làm lễ hoặc dự hội nghị gì đó, chúng ta hẹn nhau lên đây để nói chuyện. Gia đình tôi không khá lắm đâu, bạn đừng nên nghĩ gì về quyền lợi

    • Thưa anh Mười Tâm
      Anh là ai cũng không quan trọng, điều đáng quan tâm là Anh có cái “TÂM” vì GH, vì đất nước và dân tộc, trước mắt là cái chết đau lòng của anh Tôma Nguyễn Thành Năm và nỗi lo âu sầu muộn của giáo dân Cồn Dầu hay không?
      Theo tôi, với ngôn ngữ và cách trao đổi ý kiến trên đây thì Anh không thể là một LM (đang phải làm lễ), có thể chỉ là một người gần gũi với đc Tri, tìm mọi cách bênh vực ngài, bất cần đến lý lẽ và sự thật!
      Tôi quan niệm rằng, GH là thánh thiện, tinh tuyền, vì thế mỗi người Kitô hữu chúng ta có bổn phận phải bảo vệ GH, góp sức tẩy rửa những tỳ ố, chỉ cho những vị mục tử, giáo sĩ thấy được những điều sai trái để họ biết mà sửa đổi và cải thiện đời sống, bao che cho việc làm sai trái là lỗi đức bác ái, và đó mới là kẻ phá GH, Anh đồng ý chứ?
      Anh cho rằng tôi có “vấn đề” với đc Tri? Không đâu, tôi đã trình bày ở trên rồi, tôi chỉ thất vọng về những phát biểu của ngài!
      Lương Tri của giám mục CHÂU NGỌC TRI ở đâu ???
      Ông Đaminh Phan văn Phước là một giáo dân đang sống ở Düsseldorf (bên Đức), bài viết rất đáng cho chúng ta suy nghĩ, nó hay không phải vì ông Phước đã “thẳng thắn phê bình” đc Tri, mà ở chỗ “chiết lý và động tâm”. Mong rằng đc Tri đọc được bài này để suy nghĩ mà sám hối!

  8. Đời nầy mạo danh rất nhiều, anh Vinh không cần đi gặp Mười Tâm làm gì, anh Vinh còn nhớ chuyện mạo danh Nguyễn Minh Trung không? Nếu anh đi gặp A nhưng tôi đoán chắc người anh gặp là B mà thôi.
    Thôi anh Vinh ạ, sự sáng thì ưa sự sáng, bóng tối thì thích bóng tối, anh cũng không nên mất thì giờ vàng ngọc của mình để lao vào cuộc đối thoại vô bổ nầy làm gì, anh biết rõ tỉ lệ người hiểu như Mười Tâm là rất, rất và rất thấp mà !và anh thông minh anh cũng biết họ là ai rồi , thuộc thành phần naò rồi. Xin đừng mất thì giờ vô bổ như thế cho anh và cư dân mạng yêu sự thật và công lý …

  9. Bài phỏng vấn của anh JB. Nguyễn Hữu Vinh với Đ/C Châu Ngọc Tri rất hay, qua bài này mọi người có thể hiểu rõ hơn về Đ/C Tri.
    Cám ơn anh Vinh nhiều lắm, là một giáo dân trí thức, Anh có cái nhìn đắc nhân tâm hơn Đ/C Tri nhiều lắm. Anh đã tỏ ra quan tâm nhiều đến giáo dân Cồn Dầu, và có ý tưởng chống bất công không khoan nhượng. Tôi rất thán phục, chúc Anh chân cứng đá mềm. Anh sẽ không bao giờ cô đơn, vì bên cạnh Anh còn có rất nhiều người yêu mến Giáo hội, sẵn sàng tiếp tay với Anh, trong đấy có tôi. Dân biểu Mỹ gốc Việt Cao Quang Ánh cũng đang vận động dư luận và quốc hội Hoa Kỳ phải quan tâm đến giáo dân Cồn Dầu:
    http://www.vietcatholic.net/News/Html/82996.htm
    Điều trần ở quốc hội Hoa Kỳ về vụ Cồn Dầu Đà Nẵng.

  10. Anh Vinh than men,
    Rat quy men anh, nem xin duoc gop y voi anh the nay : viec anh viet hay lam phong su, di phong van con nguoi nay, nhan vat kia thi anh cu viec viet trong su that,chan ly va mot luong tam trong sang la duoc roi, khi anh tung bai viet len mang thi no thuoc cong chung roi, the nen anh khong nen doi co tay doi voi nhung nguoi nhu anh Brenton Ho va anh Muoi Tam lam gi ,vi do la quyen cua ho, neu ho viet sai ,sua bay, chup mu lung tung thi da co cu dan mang len tieng thay anh ,toi tin la cu dan mang co du kha nang doi pho ,dap tra nhung luan dieu cua bon ho,va nhan chan bo mat thuc cua bon ho khong kho lam dau !!!!!Qua ba bai viet cua Anh ve Con Dau va Duc Cha Chau Ngoc Tri cung nhu doc het cac comment cua 3 bai phong su thi chung ta phan loai ngay duoc nhom nguoi co dam an xoi ,nhom nguoi chan chien thue,nhom nguoi phan thung phan phe ,phan boi Giao Hoi Me VN va Giao Dan VN noi chung va Giao Dan Con Dau noi rieng.. ..Mong Anh Vinh cu yen tam viet …dung bi phan tam boi nhung don tan cong cua mot nhom nguoi ….mat luong tri.Chuc Anh vui khoe va binh an cua Chua luon o cung Anh.Than./-

    • Anh Nguyễn Hữu Vinh đã bỏ công sức đi làm phóng sự, tìm hiểu sự thực, để cho mọi người biết được sự thật đã xảy ra ở Cồn Dầu như thế nào mà chia sẻ, cảm thông với đồng đạo của mình, như thế này chứng tỏ anh Vinh là người có Tâm-Đức, một con người dạt dào tình yêu mến GH và thương yêu đồng đạo như thế nào!

      Không những thế, Anh còn cố gắng giải thích cho những ai không hiểu “tường tận”, hoặc hiểu sai ý, để dẫn dắt họ tìm về CHÂN-THIỆN-MỸ. Mong Anh cứ tiếp tục như vậy!

      Tôi thật sự cảm động, nếu LM chánh xứ Cồn Dầu và ĐC Tri thể hiện được 1 phần như anh Vinh thì thật là phước đức cho giáo dân Cồn Dầu.

      Xin cám ơn, cầu chúc cho Anh luôn khoẻ mạnh và bình an trong Chúa, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.

  11. […] Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  12. Trích đoạn đối thoại của ĐC Tri với anh Vinh:
    – Khi dân đưa xác ra thì bị đánh, họ hành động lại thành ra hai bên hỗn chiến. Bây giờ những người có trách nhiệm họ đang làm.
    – Vậy nếu họ chỉ đưa giáo dân ra xét xử mà không xử công an, Đức Cha có kêu gọi giáo dân đi dự tòa không thưa Đức Cha?
    – Một cái đám tang ở quê anh thì ai lo? Đức giám mục lo hay ai lo? Ai làm lễ an táng? Có khi nào Đức Giám mục làm lễ an táng không? Tại sao ở vụ Cồn Dầu này lại lôi Giám mục vào? Ý đồ gì trong này? Giám mục không thể làm hết tất cả mọi việc. Nhiều điện thoại gọi đến hỏi sao giáo dân như thế mà Đức Cha cứ ăn no ngủ kỹ… hớ hênh nhiều quá. Mình đâu có làm những việc đó, nếu làm thì làm hết à.

    Chúa ơi, nghe ĐC Tri nói mà lòng con chùng xuống, lời nói của mục tử mà như thế này sao?
    Xin ĐC hãy nhìn xem Điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam
    Người Mỹ xa VN cả nửa vòng trái đất mà còn nghĩ đến Cồn Dầu, còn ĐC là “chủ chăn” mà buông những lời tắc trách vô tâm thế này sao?

  13. Nhiều người gọi điện thoại gọi đến, nhắc nhở, hỏi sao giáo dân như thế mà Đức Cha cứ ăn no ngủ kỹ?
    Thay vì nên suy nghĩ phải làm gì, thì ĐC Tri lại phán…”hớ hênh nhiều quá. Mình đâu có làm những việc đó, nếu làm thì làm hết à“.
    Bó tay!

  14. Dân biểu Mỹ trình dự luật lên án Việt Nam đàn áp giáo dân Cồn Dầu
    Tôi xin chân thành cám ơn các Dân Biểu Hoa Kỳ và tất cả những ai đang nghĩ đến dân oan Việt Nam, ra sức đấu tranh để đem Công Lý đến cho giáo dân Cồn Dầu!

  15. Thật là cảm động khi nhìn những hình ảnh của Thái Hà thắp nến cầu nguyện cho anh Tôma Nguyễn Thành Năm!
    Nhân 49 ngày của anh Toma Nguyễn Thành Năm – Thái Hà dâng Thánh lễ, thắp nến cầu nguyện cho Cồn Dầu. .
    Kính mong Đức Cha Châu Ngọc Tri, cha xứ Cồn Dầu và mọi người hãy hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Tôma Năm, và cầu nguyện cho giáo xứ Cồn Dầu sớm tìm được Công Lý.

  16. Xin mọi người hãy hợp ý cầu nguyện cho giáo dân Cồn Dầu! Không chỉ những người đang bị CA giam giữ, hành hung, mà cả những người đã phải chạy trốn sang Thái Lan. Đau lòng quá Đức Cha Tri ơi, cha xứ Cồn Dầu ơi, đúng là đàn chiên đang bị tan tác, các vị mục tử, chủ chăn nghĩ thế nào?
    Tiếng nói Cồn Dầu từ Thái Lan

  17. […] Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  18. […] Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  19. […] CỒN DẦU KÝ SỰ (Kỳ III) : THỰC TẾ VỚI GIÁO DÂN CỒN DẦU Bởi ngoclinhvugia Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  20. […] Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  21. […] Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  22. […] Cồn Dầu ký sự: – Kỳ III: Thực tế với giáo dân Cồn Dầu […]

  23. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  24. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị […]

  25. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  26. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  27. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  28. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  29. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵngdân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  30. […] vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵngdân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu […]

  31. […] Cũng là một trong những đặc tính của quan chức cộng sản ở Nguyễn Bá Thanh, đó là bệnh “máu tham, hễ thấy hơi đồng là mê”. Điều này chúng tôi có kinh nghiệm với ông ta và bộ máy dưới quyền ông ta trong vụ Cồn Dầu. Ở đó, giáo dân Cồn Dầu và các làng xung quanh bỗng dưng bị đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình đã sống hàng trăm năm, để lấy đất cho một nhóm có tiền làm giàu trên chính mảnh đất  bao đời của gia đình họ. Chính vì sự bất chấp pháp luật này, mà giáo dân Cồn Dầu đã kiên trì đấu tranh hàng mấy năm trời nhưng không thể có một quy định luật pháp nào khả dĩ để thuyết phục họ. Nhưng Nguyễn Bá Thanh vẫn thể hiện bằng được vai trò của một “ông Trời con” tại đây bất chấp luật pháp và lương tri. Ông dồn đuổi, đàn áp họ bằng những biện pháp bất nhân nhất có thể thấy: Trấn áp, bao vây, đánh đập, giết người, cướp xác, đào mồ mả… có lẽ không thiếu. Người dân Cồn Dầu còn cho chúng tôi biết, ông tuyên bố rằng: “Nếu không lấy được Cồn Dầu, ông ta sẽ nhảy sông Cẩm Lệ tự vẫn” để nói lên quyết tâm cướp đoạt đất Cồn Dầu. […]

  32. […] Đà Nẵng về đêm, nhìn qua Sông Hàn. Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh Chỉ nghe những câu ca dân gian nói trên, người ta cũng đã đủ thấy vai trò và dấu ấn Nguyễn Bá Thanh in đậm ra sao trên đất Đà Nẵng này. Trong thời gian ông ở Đà Nẵng, nhiều thay đổi tại Thành phố Đà Nẵng để lại dấu ấn trong lòng du khách qua đây. Những lời đồn đoán, những hình ảnh, hoạt động của Nguyễn Bá Thanh, có đặc tính chung của quan chức cộng sản: “Lám láo, báo cáo hay”, hoặc “nổ tung trời”… Người ta còn nhớ, trong một hội nghị, ông ta lên án mạnh mẽ việc “con ông cháu cha” trong bộ máy nhà nước ở một Công ty về đô thị ở Đà Nẵng, thì không lâu sau đó, em trai, con trai ông ta được đặt vào những vị trí chỉ dành cho “con ông cháu cha”. Người ta cũng nhớ, ông càng kêu gào to lớn bao nhiêu về chống tham nhũng, về sự trong sạch, dưỡng liêm, về tinh thần đảng viên cộng sản, thì những vụ án như Cầu Sông Hàn, ông ta bị tố ăn hối lộ hàng tỷ đồng. Rồi sau đó xảy ra vụ án Tướng Công an Trần Văn Thanh bị điều chuyển công tác khỏi Đà Nẵng và cuối cùng là nằm trên cáng với đầy đủ dây truyền dịch để ra Tòa trong một vụ án nổi tiếng dư luận – ông này là người ký quyết định bắt chủ thầu xây dựng,  người bị tố đã hối lộ Nguyễn Bá Thanh qua vụ xây cầu. Đó chỉ là một tảng băng nổi đáng chú ý trong hàng loạt các hoạt động của Nguyễn Bá Thanh thời kỳ “trị vì Đà Nẵng”. Người ta cũng nhớ, ông ta đưa ra nhiều câu nói “để đời” mà ít người dám mạnh miệng như: “Không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá, phá tàn canh nền kinh tế”. Hoặc ông tuyên bố: “Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”. Dù vậy, thì ông vẫn có những nét khác biệt của riêng mình khó trộn lẫn vào đám quan chức Cộng sản. Đó là dám lăn lộn, dám đối mặt, và đối mặt với ngay cả sự bất nhân không thèm che đậy. Người ta có thể nghe trên mạng những cuộc nói chuyện điện thoại của ông với những người bình thường gọi đến phỏng hỏi han, chất vấn. Người ta cũng thấy ông ta sẵn sàng rời bỏ tư cách “chính trị gia” hoặc quan chức cộng sản để ra sân đá bóng với thanh niên. Thậm chí, người ta còn thấy ông đến thăm  hoặc đối thoại với chính nạn nhân của ông ta như vụ Cồn Dầu… Và tất cả, vẫn chỉ là sự áp đặt trắng trợn và những lời dối trá. Cũng là một trong những đặc tính của quan chức cộng sản ở Nguyễn Bá Thanh, đó là bệnh “máu tham, hễ thấy hơi đồng là mê”. Điều này chúng tôi có kinh nghiệm với ông ta và bộ máy dưới quyền ông ta trong vụ Cồn Dầu. Ở đó, giáo dân Cồn Dầu và các làng xung quanh bỗng dưng bị đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình đã sống hàng trăm năm, để lấy đất cho một nhóm có tiền làm giàu trên chính mảnh đất  bao đời của gia đình họ. Chính vì sự bất chấp pháp luật này, mà giáo dân Cồn Dầu đã kiên trì đấu tranh hàng mấy năm trời nhưng không thể có một quy định luật pháp nào khả dĩ để thuyết phục họ. Nhưng Nguyễn Bá Thanh vẫn thể hiện bằng được vai trò của một “ông Trời con” tại đây bất chấp luật pháp và lương tri. Ông dồn đuổi, đàn áp họ bằng những biện pháp bất nhân nhất có thể thấy: Trấn áp, bao vây, đánh đập, giết người, cướp xác, đào mồ mả… có lẽ không thiếu. Người dân Cồn Dầu còn cho chúng tôi biết, ông tuyên bố rằng: “Nếu không lấy được Cồn Dầu, ông ta sẽ nhảy sông Cẩm Lệ tự vẫn” để nói lên quyết tâm cướp đoạt đất Cồn Dầu. […]

  33. […] Cũng là một trong những đặc tính của quan chức cộng sản ở Nguyễn Bá Thanh, đó là bệnh “máu tham, hễ thấy hơi đồng là mê”. Điều này chúng tôi có kinh nghiệm với ông ta và bộ máy dưới quyền ông ta trong vụ Cồn Dầu. Ở đó, giáo dân Cồn Dầu và các làng xung quanh bỗng dưng bị đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình đã sống hàng trăm năm, để lấy đất cho một nhóm có tiền làm giàu trên chính mảnh đất  bao đời của gia đình họ. Chính vì sự bất chấp pháp luật này, mà giáo dân Cồn Dầu đã kiên trì đấu tranh hàng mấy năm trời nhưng không thể có một quy định luật pháp nào khả dĩ để thuyết phục họ. Nhưng Nguyễn Bá Thanh vẫn thể hiện bằng được vai trò của một “ông Trời con” tại đây bất chấp luật pháp và lương tri. Ông dồn đuổi, đàn áp họ bằng những biện pháp bất nhân nhất có thể thấy: Trấn áp, bao vây, đánh đập, giết người, cướp xác, đào mồ mả… có lẽ không thiếu. Người dân Cồn Dầu còn cho chúng tôi biết, ông tuyên bố rằng: “Nếu không lấy được Cồn Dầu, ông ta sẽ nhảy sông Cẩm Lệ tự vẫn” để nói lên quyết tâm cướp đoạt đất Cồn Dầu. […]


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục