Đăng bởi: J.B Nguyễn Hữu Vinh | 07/06/2013

Biểu tình yêu nước 2/6/2013: Cảm nghiệm về sự bất chính và tàn bạo – Kỳ cuối

Tôi được đưa vào phòng có tờ giấy dán ở cửa “Phòng làm việc số 6”. Một sĩ quan công an vào bật điều hòa và bật quạt về phía tôi rồi hỏi: “Như vậy đã mát chưa”. Tôi đáp: “Cảm ơn anh” và anh ta ra đi sau khi để lại một câu: “Ngồi phòng Phó Giám đốc thế này thì mát quá rồi”. Còn lại tôi và cậu công an nghĩa vụ luôn tay bấm điện thọai chơi game, lát sau được bổ sung một cậu mặc thường phục cầm máy quay. 

Tôi ngồi chờ và cố gắng tĩnh tâm, nhưng vẫn nghĩ đến tiếng kêu thét của Trương Văn Dũng lúc nãy tôi nghe. Có thể nhiều người sẽ được nếm những trận đòn thù kiểu đó, nhưng nếu càng làm thế, chính họ đã thú nhận họ không có chính nghĩa. Việc họ bắt từng người vào từng phòng riêng nhằm mục đích che giấu điều này. 

nam5

Lâu lâu lại có một đám khi ba, khi bốn người vào rồi lại ra, họ không mặc quân phục, chừng như vào nhận diện từng người vậy. Một lúc sau, hai người vào phòng, một người nói với tôi: 

– Các anh đi biểu tình như vậy, có được ích gì, chuyện biển đảo đã có nhà nước nó lo. Tôi cũng đã đọc bài phát biểu của Thủ tướng hôm qua ở Shangri-La rồi. Đấy anh thấy, ngay Thủ tướng vẫn không gọi thẳng tên thằng Trung Quốc ra. Các nước lớn mạnh trên thế giới đều sợ Trung Quốc.

Nghe buồn cười và không muốn tranh luận, tôi đáp:   

– Nếu làm việc với tôi, đề nghị anh xưng danh, chức vụ và làm việc đàng hoàng trước khi làm việc. Yêu cầu anh mặc quân phục đúng quy định. Anh thông cảm, ở đây là Trại chứa toàn con nghiện và đĩ điếm nên tôi không phân biệt được ai với ai. Biết đâu tôi đang phải nói chuyện với con nghiện?  

– À không, đây là anh em nói chuyện.    

– Vậy thì khi nào làm việc, chúng ta sẽ nói chuyện sau, giờ tôi không có nhu cầu nói chuyện. 

Anh ta và người kia ra đi. 

HieuCA

Đại úy Hiếu đã lên Thiếu Tá sau những cuộc trấn áp người yêu nước

Một lúc sau, thiếu tá Hoàng Xuân Hiếu bước vào, ngồi xuống ghế:

– Anh thông cảm, chúng tôi cũng chỉ là nhiệm vụ thôi.   

– Tôi yêu cầu anh cho biết, tôi bị bắt vào đây vì lý do gì? Còn nhiệm vụ ư? Ai cũng có nhiệm vụ, hôm nay tôi có nhiệm vụ đi chụp ảnh Bờ Hồ và đưa con đi chơi. Tại sao anh chỉ biết nhiệm vụ của anh mà không biết nhiệm vụ của người khác. Việc mình làm, đừng đổ lỗi cho nhiệm vụ. Chúng ta là con người, có trái tim và khối óc để phân biệt được đúng hay sai, nên không thể lấy cái gọi là nhiệm vụ để bao biện cho hành vi tội ác.

– Nhưng chúng tôi được lệnh thì phải mời các anh lên làm việc.  (Hình: Đại úy Hiếu đã lên Thiếu Tá sau những cuộc trấn áp người yêu nước)

– Anh mời theo kiểu xã hội đen thế à? Nhà nước có quy định nào mời theo kiểu bắt cóc người khác thế không? Mời thì người được mời có quyền nhận lời mời hoặc không nhận chứ? 

– Nhưng chúng tôi mời tức là yêu cầu anh phải làm việc.  

– Anh là sĩ quan, vậy anh học đến lớp mấy rồi?  

– Đại học An ninh.  

– Anh học Đại học mà không phân biệt được khái niệm mời và yêu cầu khác nhau thế nào à? Thật tội nghiệp cho trình độ ngôn ngữ của sỹ quan học trường này ra. 

 – Nhưng khi mời mà anh không đi thì chúng tôi phải cưỡng chế, chẳng hạn có người báo bị mất cắp thì chúng tôi phải mời anh để điều tra. Ở đây, người ta báo các anh vi phạm.  

– Vậy thì trước hết, anh phải có đơn trình báo của người đó, hoặc chính người đó có mặt để báo cho anh biết bị mất cắp thế nào chứ cứ báo là anh cho xã hội đen đi bắt về nhốt à? Tôi chính thức báo anh có đám côn đồ bắt người trái pháp luật đưa về đây đấy, anh bắt chúng về điều tra đi. Tôi có bằng chứng và nếu cần tôi làm đơn.      

Còn anh, anh cho tôi xem bằng chứng, đơn báo hoặc người báo là tôi vi phạm điều gì? Tôi thách anh tìm được điều gì tôi đã vi phạm pháp luật trong ngày hôm nay, từ sáng đến giờ. Ngược lại tôi có thể chứng minh rõ ràng các anh đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

 – Nhưng, tôi thi hành mệnh lệnh, khi người lính khi ra trận chỉ biết mệnh lệnh mà không cần biết đúng hay sai.  

– Anh cho rằng chống lại nhân dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là ra trận à? Nghĩa là anh đang đứng về phía ngược lại với nhân dân yêu nước trong trận chiến này?

 Anh ta không trả lời và ra ngoài. Tôi cũng chẳng buồn nói gì thêm. Một lúc sau, hai người không sắc phục bước vào, người này hỏi người kia: Đã thu thẻ nhớ chưa? và hỏi tôi:

– Đề nghị anh cho kiểm tra điện thoại, máy ảnh và các thứ khác.

Nói xong anh ta vồ lấy cái máy ảnh và mở ra, tôi phản đối:  

– Nếu các anh làm việc, phải có biên bản, giấy tờ và theo nguyên tắc pháp luật, tự động lấy tài sản của tôi, xâm phạm đời tư của tôi là vi phạm pháp luật. 

Đặt máy ảnh lại lên bàn, anh ta nói:

– Lát nữa chúng tôi sẽ kiểm tra máy ảnh, điện thoại của anh xem có tin nhắn, hình ảnh gì liên quan đến vụ việc hôm nay không thì chúng tôi xóa đi, chứ không ảnh hưởng gì đời tư của anh cả. Đề nghị anh hợp tác.  

– Thế nào là không ảnh hưởng đời tư? Những thứ tin nhắn, hình ảnh của tôi mà không là đời tư à? Tại sao liên quan việc có thật hôm nay lại phải xóa? Tôi sẽ chỉ hợp tác trong những điều pháp luật quy định. Hôm nay, công an đã làm hỏng của tôi một chiếc ống kính máy ảnh, một kính mát đeo mắt và làm rơi của tôi một chiếc thẻ nhớ, lát nữa phải lập biên bản đền cho tôi. 

Thế là hai người bỏ đi. Bên ngoài, anh ninh và tên Khương vẫn đi đi lại lại, thỉnh thoảng ghé qua cửa nhìn tôi, tôi nhìn lại.

Ngoài trại, tiếng hô khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” “Đả đảo tay sai bán nước” cứ vang lên từng đợt vọng vào, nhức nhối, âm vang và lay động.

Trời đã ngả về chiều vẫn không thấy ai vào “làm việc”. Tôi bồi hồi chợt nghĩ, trừ trường hợp họ dùng vũ lực đánh chết tôi tại đây hoặc họ tự lập hồ sơ và ký với nhau. Còn nếu làm việc theo pháp luật, tôi sẽ yêu cầu đúng thủ tục và quy trình thì chắc hết ngày mai vẫn chưa xong. Đã vào đây thì mấy ngày chẳng được.

Khá lâu sau, một sĩ quan có tuổi mà tôi không kịp nhìn cấp bậc bước vào:

– Anh có phải là anh Vinh không?  

– Vâng, anh có việc gì? 

– Thôi, mời anh về.   

– Tôi đề nghị anh lập biên bản việc bắt giữ người trái pháp luật từ sáng đến giờ đối với tôi và làm mất mát, hư hỏng tài sản của tôi. 

– Thôi, suốt một ngày anh em cũng mệt rồi, mời anh về nghỉ ngơi đi.

Tôi chậm rãi đứng dậy, biết rằng có nói thêm cũng chẳng để làm gì. Như vậy là một ngày đủ các thứ mưu mô, đàn áp, bắt bớ, ngăn chặn… để cuối cùng “mời anh về nghỉ ngơi” nhẹ tênh? Người sĩ quan nhìn tôi và đứng dậy giơ tay bắt. Tôi bước ra ngoài.

ratrai

Ngoài cửa, bà con anh em đã đứng đầy trước cổng, tôi ra đến cổng họ ùa lấy tôi, xúc động và ấm áp. Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong và Hiền, vợ Ls Lê Quốc Quân đã cùng bà con giáo dân, anh em sang chờ tôi từ chiều. Cảm động với tấm chân tình của tất cả, chúng tôi lại hô vang: “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” “Đả đảo tay sai bán nước” ngay trước cổng trại và chờ những người còn lại.

donotrai

Còn Trương Văn Dũng, người bị đánh ngay từ sáng và đánh khi đưa lên phòng vẫn cứ chưa được ra, mọi người bảo anh bị đánh rất đau. Xung quanh chúng tôi, nào dân phòng công an xã và an ninh dày đặc. Đám an ninh khiêu khích từng người dân, họ cố tình đụng chạm, gầm gừ.

truongvandung

Bỗng nhiên Nguyễn Chí Đức bị một đám lôi vào trong hàng rào dây kẽm gai và đánh tới tấp, tàn bạo. Mọi người xông vào ngăn cản nhưng không thể cản lại một kế hoạch đã rắp tâm thực hiện. Đám công an, dân phòng đứng phía ngoài ngăn chặn bà con tiếp cận. Chí Đức bị đánh đau và lôi xềnh xệch trên bãi đá vào đồn công an gần đó. Bên ngoài Bùi Tiến Hưng vô cớ bị một tên An ninh mặc áo trắng đánh dúi dụi vào hàng rào cùng với mấy thằng hỗ trợ. Nguyễn Văn Phương đến can thiệp liền bị nhóm hội đồng hơn chục người công an và an ninh đánh dã man. Trong đó rất rõ tay công an đã từng canh chúng tôi cả buổi chiều trong trại. Phương bị nhốt vào xe chở tù dựng sẵn ngay trước đồn công an.

cadanhdan

Đến lúc đó, cơn giận của người dân đã không thể kiềm chế. Đồng loạt xông vào yêu cầu thả người ngay. Nhưng chiếc xe vẫn nổ máy định quay đầu bỏ chạy. Sự căm phẫn đến mức tột đỉnh. Hàng loạt người đã nằm xuống đuôi xe, nhất định không cho xe chở người bỏ chạy. Tình trạng người dân kể cả đến xem đã đến mức cực kỳ phấn khích, người dân bên ngoài hô to: “Đốt mẹ đồn của chúng nó đi”. Thấy tình hình rất có thể xảy ra quá khích, tôi nói với viên An ninh chỉ huy nhóm đó:   

chanxetu

– Giờ thì ông định nhốt người trong đó đến khi nào xảy ra chuyện lớn mới mở, đúng không? Nếu khôn hồn, thì hãy mở thả người ngay. 

Anh ta đáp:

– Vâng, sẽ cho thả ngay, anh bảo mọi người đứng dậy để thả.  

– Ông nói với họ xem họ đứng dậy không, họ sẽ không bị mắc lừa các ông nữa.

Anh ta gọi người đưa chìa khóa mở xe tù, Nguyễn Văn Phương bước ra. Nhưng Chí Đức vẫn trong đồn. Người dân đòi thả Nguyễn Chí Đức đang bị đánh trong đồn. Không thấy bên công an động tĩnh, tất cả nằm ra đường Quốc lộ 3, giao thông tắc nghẽn. Cảnh sát giao thông phải đến phân luồng đi lối khác và chửi nhau loạn xị ngậu.

nam1

nam4

Trong khi mọi người đang chú ý vụ bắt Đức và Phương, Trại Lộc Hà đã cho mấy người khiêng Trương Văn Dũng vứt ra đường mới máu me đầy đầu. Kể ra, con bài kéo người về phía kia bằng vụ đánh người để thả Trương Dũng là khá cao tay. Nhưng kết quả ngoài mong đợi và không như kịch bản họ đã soạn ra. Cuối cùng, thì cũng phải thả Chí Đức, tất cả yêu cầu Trưởng Trại có trách nhiệm trong việc bắt và đánh người. Hành động vô nhân đạo bắt người, đánh người rồi vứt ra đường đã làm phẫn nộ không chỉ những người biểu tình mà cả nhân dân ngày càng đông. Bí quá, Trại phải gọi một xe cấp cứu đến nhưng riêng công an thì trốn tiệt.

Khi đó, người dân mới thấy cái uy, cái dũng, cái hùng hổ, cái bạo ngược của những viên công an buổi sáng và buổi trưa biến đâu mất. Chỉ còn lại sự lỳ lợm, bất nhân và đểu giả, hèn nhát.

Người dân đã cùng nhau lập biên bản và đưa Trương Văn Dũng đi cấp cứu cho kịp thời. Cuộc biểu tình đến đó coi như mới chấm dứt.

Từ một cuộc biểu tình chống Trung Quốc, với sự sáng suốt của những người lãnh đạo Hà Nội, họ đã tự biến những người yêu nước trở thành thế lực thù địch của họ. Như vậy, họ đã tự đứng vào hàng ngũ những kẻ chống lại người đi chống xâm lược của ngoại bang.

Một ngày với nhiều sự việc, nhiều kịch tính, nhiều diễn biến cho ta thấy nhiều điều. Nhưng, trên hết, chúng ta thấy sự bất chính, lén lút và sự tàn bạo của nhà cầm quyền Hà Nội với những tấm lòng yêu nước.

Ở đó, cũng chứng minh sự chính nghĩa, tấm lòng trong sáng vì Tổ Quốc, vì nhân dân của những người tham gia biểu tình yêu nước hôm nay. Họ không đông, nhưng có chính nghĩa trong tay.

Họ đã ngẩng cao đầu mà bước tới bất chấp bạo quyền.           

Hà Nội, ngày 6/6//2013  

 ·       J.B Nguyễn Hữu Vinh


Trả lời

  1. Nếu ai biết gia phả, địa chỉ, thân nhân của tên Thiếu Đức CÔN AN nầy, nên để lên cho mọi người dân VN cám ơn sự “trung thành” làm thân khuyễn mã cho TÀU KHỰA.

    Tương lai tên Thiếu Đức CÔN AN nầy, ra từ “học đại” An Ninh, sẽ là 1 trong những “Ráo Sư Tiện Sỉ” với luận án:

    “làm thế nào tự hào, khi làm thân khuyễn mã cho Tàu khựa”.
    Hic! hic.

  2. Ngay nao chau cung doi bai tuong thuat cua chu, vua doc vua thay tuc cho bon cuong bao, vua cam phuc tinh than yeu nuoc cua toan the cac co chu, anh chi tham gia bieu tinh. Chau rat mong muon mot ngay duoc tham gia cung moi nguoi. Cuoi cung chau chuc chu va moi nguoi manh khoe de tiep tuc dau tranh vi tu do dan chu, vi bien dao mau thit va de chong lai bon tay sai ban nuoc.

  3. Đọc loạt bài “Cảm nghiệm về sự bất chính và tàn bạo” của blog J.B Nguyễn Hữu Vinh tôi thấy sự quá tàn bạo của chính thể Đảng và Nhà nước CSVN. Đây bước báo hiệu sự sụp đỗ tất yếu của chế độ này không còn bao lâu nữa, một khi toàn dân đứng lên.

  4. Khốn nạn quá! Công an Tàu.

  5. Hat dies auf dânlầmthan rebloggt.

  6. Hat dies auf dânlầmthan rebloggt.

  7. Trung sỹ công an giả dạng côn đồ đánh người biểu tình ở trại Lộc Hà

    Cộng đồng mạng đã xác định được FB cùng những thông tin cá nhân về trung sỹ công an này, người đã mặc thường phục tấn công blogger Nguyễn Văn Phương tại trại Lộc Hà Chủ Nhật 2/6/2013.

    link:

    https://danluan.org/node/20528

  8. Biết danh tính công an đánh người?

    Biết danh tính công an đánh người?

    Ông Lê Anh Tùng bị tố cáo là người trấn áp người biểu tình

    Các công dân mạng nói họ đã ‘tìm ra’ danh tính một trong số các công an tham gia trấn áp người biểu tình Nguyễn Văn Phương hôm 2/6 ở bên ngoài trại giam giữ Lộc Hà, Hà Nội.

  9. […] J.B Nguyễn Hữu Vinh […]

  10. Blogger Phạm Viết Đào bị bắt

    Hãng tin chính thức của Việt Nam nói: “Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Viết Đào, sinh ngày 10/4/1952 tại Nghệ An

    Chúng, lũ bầy đàn chó săn đang tìm mọi cách, mọi lý do và mọi sơ hở để ghép tội.
    Xin a Vinh cẩn thận.

  11. Cá nhân tranh đấu là cần thiết, nhưng toàn xã hội tranh đấu thì điều gì cũng thành công.
    Chương trình phổ biến kiến thức, giáo dục công dân cần phát động mạnh trong toàn xã hội Việt Nam. Trước khi là gì trong xã hội, mỗi người Việt Nam hãy là một công dân Việt Nam trước đã.
    Mỗi người công dân Việt Nam trước hết phải biết Quyền Con Người là gì… Người trên thế giới đã biết và đã thực thi Quyền Con Người từ 68 năm qua, do đó đất nước họ tiến bộ, con người và những giá trị đạo đức xã hội, cá nhân được tôn trọng. Các chính phủ của họ vì thế tự biết họ chỉ là những kẻ được xã hội thuê mướn làm việc cho bộ máy công quyền. Họ tự biết nếu họ làm không xong nhiệm vụ, họ sẽ phải bị đuổi việc, hoặc họ có thể bị truy tố, nếu mức độ sai phạm của họ ở vào mức độ phải bị truy tố trước tòa án.
    Họ sẽ bị đuổi việc bởi cấp trên của họ. Họ sẽ bị đuổi việc bởi công luận, do báo chí phát hiện, phơi bày. Họ sẽ bị đuổi việc bằng luật lệ, bằng tòa án quốc gia. Cả chính phủ cũng có thể bị giải tán nếu sự vi phạm của chính phủ đối với hệ thống luật pháp ở vào mức độ nghiêm trọng mà tối cao pháp viện kết luận là vi hiến; Hiến pháp là bộ luật tối cao của quốc gia mà không cá nhân nào được phép vi phạm; vì thế không ai dám ngược lại ý muốn của tòa dân,
    Nhân dân ta bị ức hiếp, cướp bóc, chà đạp nhân phẩm, thậm chí bị giết hại chỉ vì sự thiếu phổ biến thông tin về Nhân Quyền. Công việc phổ biến Tuyên Ngôn Nhân Quyền cần tiếp tục, phải tiếp tục và tiếp tục trên toàn quốc với sự tham gia của toàn xã hội mà trước hết là sự tham gia của các sinh viên, học sinh, toàn thể chùa chiền, nhà thờ.
    Phổ biến Tuyên Ngôn Nhân Quyền là nhu cầu sống còn quốc gia, đặc biệt là vì hậu quả quá lớn lao của Hiệp Ước Thành Đô giữa Việt Nam – Trung cộng sẽ đến vào năm 2020. Là người Việt Nam, bất cứ ai có ý thức, đều cần thiết nên tự động tham gia công việc chung của toàn xã hội: Phổ biến bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
    Học sinh, sinh viên của mọi trường học trên toàn quốc, toàn thể đồng bào của các chùa chiền, nhà thờ hết sức cần thiết nên tham gia đông đảo nhằm phổ biến sâu, rộng Cẩm Nang Thực Thi Quyền Con Người, The Universal Declaration of Human Rights.

  12. Cám ơn JB. Nguyễn Hữu Vinh và những người tham gia biểu tình chống TC xâm lược! Qua các anh chị tham gia biểu tình đã chiến đấu và chiến thăng bọn người; không biết tư bao giờ đã trở thành những kẻ bán nước. Anh dũng quá, hào hùng quá, chúng tôi cảm phục, ngưỡng mộ, tự hào về các anh các chị, bà con, các em…dong máu Lạc Hồng trong chúng ta cùng sục sôi quận chảy, nên chỉ bấy nhiêu người chân yếu tay mềm đã chiến thắng cả một bộ máy bạo tàn. Chính nghĩa là đây, sức mạnh là đây. Cả dân tộc rồi sẽ vùng lên theo các anh các chị và bà con!


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục